Đăng ký sở hữu trí tuệ nhãn hiệu là cần thiết để bảo vệ nhãn hiệu khỏi các loại hàng nhái, thậm chí cướp nhãn hiệu nếu như không thực hiện bước này.
Giá trị của đăng ký sở hữu trí tuệ nhãn hiệu
Để đạt tới mức độ phổ biến của một nhãn hiệu, doanh nghiệp sở hữu phải mất rất nhiều công sức để xây dựng, bao gồm các chiến lược Marketing, quảng cáo, các chi phí liên quan đến việc xây dựng, thiết kế nhãn hiệu, các chi phí sản xuất và nhiều thời gian.
Do đó việc đăng ký sở hữu nhãn hiệu đảm bảo cho các công sức mà doanh nghiệp bỏ ra được an toàn, không bị lấy mất.
Trong lịch sử, có rất nhiều doanh nghiệp bị mất nhãn hiệu do không đăng ký nhãn hiệu mà cứ tập trung vào phát triển thị trường, không quan tâm đến nguy cơ từ các đối thủ cạnh tranh.
Mặc dù có thời gian chờ để tránh các tranh chấp, nhưng vẫn có thể doanh nghiệp phát triển nhãn hiệu quên mất, và do đó mất đi quyền sở hữu.
Đăng ký nhãn hiệu cũng để doanh nghiệp phát hiện ra nhãn hiệu của mình có bị trùng lặp hay không, rất có thể có doanh nghiệp khác đang phát triển nhãn hiệu tương tự, từ đó mà có thể điều chỉnh nhãn hiệu của mình cho phù hợp cạnh tranh.
Nhãn hiệu là bộ mặt của thương hiệu
Nhãn hiệu là một bộ phận của thương hiệu, nó là phần nhìn thấy được và mô tả được bằng ảnh và ngôn ngữ, nó không bị nhầm lẫn với thương hiệu (vốn bao gồm rất nhiều giá trị khác nhau, cả các phần vô hình của thương hiệu).
Nhãn hiệu xuất hiện trên sản phẩm, các tài liệu sản phẩm, dịch vụ và quảng cáo; Nhãn hiệu thay mặt doanh nghiệp tiếp xúc với khách hàng và đại diện cho giá trị thương hiệu của sản phẩm, dịch vụ mà không cần thêm bất kỳ cam kết nào.
Nhãn hiệu giúp đơn giản hóa quá trình mua hàng của khách hàng khi đã có niềm tin vào nhãn hiệu. Khách hàng không cần phải tìm hiểu, so sánh, kiểm tra, dùng thử lại từ đầu.
Pháp luật về đăng ký nhãn hiệu
Theo Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ (điều này được sửa đổi bổ sung năm 2009):
1. Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hóa do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp.
2. Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó.
3. Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
4. Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
5. Hai hoặc nhiều tổ chức, cá nhân có quyền cùng đăng ký một nhãn hiệu để trở thành đồng chủ sở hữu với những điều kiện sau đây:
- a) Việc sử dụng nhãn hiệu đó phải nhân danh tất cả các đồng chủ sở hữu hoặc sử dụng cho hàng hóa, dịch vụ mà tất cả các đồng chủ sở hữu đều tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh;
- b) Việc sử dụng nhãn hiệu đó không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ.
6. Người có quyền đăng ký quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này, kể cả người đã nộp đơn đăng ký có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật với điều kiện các tổ chức, cá nhân được chuyển giao phải đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký tương ứng.
7. Đối với nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu đăng ký nhãn hiệu đó mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên thì người đại diện hoặc đại lý đó không được phép đăng ký nhãn hiệu nếu không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu, trừ trường hợp có lý do chính đáng.