""Sự thật và những điều bình thường, không tự nó truyền tải được"
Đây chính là bí quyết của hoạt động thương hiệu.
Bởi vì những điều bình thường rất khó truyền tải, cho nên làm thương hiệu chính là phải làm nổi bật các giá trị khác biệt của thương hiệu.
Chiến lược
Chiến lược chi phí thấp
"Chiến lược chi phí thấp (Low Cost Strategy) là một chiến lược được doanh nghiệp sử dụng để tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường bằng cách sản xuất các sản phẩm/dịch vụ được định giá thấp hơn so với đối thủ cạnh tranh trong cùng lĩnh vực."
Trong chiến lược chi phí thấp, bản thân sự chi phí thấp đã hạn chế cơ hội cho hoạt động phát triển thương hiệu, do đó để tạo nên dấu ấn khác biệt cho thương hiệu, doanh nghiệp phải vận dụng điều kiện khác.
Các sản phẩm, dịch vụ chi phí thấp hoạt động phụ thuộc vào hệ thống phân phối - đây là mấu chốt của vấn đề. Hiện nay, trên các nền tảng thương mại điện tử, hầu như các sản phẩm được tối ưu cho chiến lược chi phí thấp và phụ thuộc hoàn toàn vào việc phân bổ của hệ thống sàn Thương mại điện tử. Ngoài ra, hệ thống các siệu thị lớn như WIN, BigC... cũng là nền tảng phân phối phổ biến phù hợp cho các doanh nghiệp theo đuổi chiến lược chi phí thấp.
Cơ hội để tạo nên sự khác biệt trong chiến lược này chính là ở khâu sau bán hàng. Khi thương hiệu không còn có nhiều cơ hội, chi phí cho công tác bán hàng, thì khâu sau bán hàng hoàn toàn có thể kiểm soát được trên bao bì, nhãn mác, lợi ích sản phẩm, các chương trình hậu mãi trên chính sản phẩm đã được bán.
Ghi dấu ấn ở đây chính là tạo sự khác biệt trong cách dùng, đơn giản hóa việc sử dụng, bao bì ưu việt, thân thiện... từ đó khắc sâu hơn nữa vào tâm trí người tiêu dùng rằng sản phẩm, dịch vụ của chúng tôi là mang lại nhiều lợi ích nhất cho khách hàng.
Chiến lược khác biệt hóa
"Chiến lược khác biệt hóa (Differentiation Strategy) hay điểm khác biệt là một chiến lược về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp mục đích tạo ra các yếu tố khác biệt từ đó tăng khả năng cạnh tranh với các đối thủ cùng lĩnh vực đồng thời tạo được ấn tượng cho khách hàng, khiến họ nhớ hơn đến thương hiệu của mình. "
Trong chiến lược khác biệt hóa, chi phí dành cho các sản phẩm dịch vụ cũng tăng cao, nhờ đó mà hoạt động thương hiệu được bứt phá hơn.
Tùy từng lĩnh vực, ngành hàng mà có nhiều cách ghi dấu ấn khác nhau. Tuy nhiên, đặc điểm chung của các sản phẩm khác biệt hóa là đi sâu vào trải nghiệm sản phẩm, sự thoải mái, cảm giác của khách hàng nhiều hơn là giá trị sử dụng của sản phẩm.
Thương hiệu phải nghiên cứu các lợi ích gia tăng này, lựa chọn các loại lợi ích gia tăng phù hợp để áp dụng với sản phẩm, dịch vụ của mình, tránh sự trùng lặp, phổ thông của các thương hiệu khác.
Dấu ấn thương hiệu
Để lại dấu ấn trong lòng khách hàng là thành công của hoạt động thương hiệu. Do đó phải luôn luôn suy nghĩ đến cơ hội để tạo dấu ấn ở bất cứ đâu.
Trong quá trình sử dụng sản phẩm, dịch vụ - khách hàng có rất nhiều điểm chạm vào thương hiệu. Nó bao gồm nhìn thấy trên biển quảng cáo, sờ thấy khi ở siêu thị, chạm vào tay, nhãn mác, màu sắc, khi sử dụng, khi dùng xong... Từng giai đoạn trong quá trình chạm vào sản phẩm chính là các cơ hội để thể hiện sự khác biệt, ghi dấu ấn của thương hiệu.
Không bỏ qua bất kỳ công đoạn nào, gia tăng nhận biết thương hiệu- sản phẩm ở bất cứ đâu... Suy nghĩ sâu sắc tạo nên ấn tượng khác biệt chính là thành công của hoạt động xây dựng thương hiệu - branding.